NGÔ
Chốt phiên đầu tuần ngày 6/2, giá ngô CBOT tăng nhẹ 0.6 USD/tấn. Tuy nhiên, sang ngày 7/2, giá ngô giảm xuống 2 USD/tấn do ảnh hưởng bởi thông tin không tích cực về xuất khẩu của Mỹ. IMEA đã nâng ước tính sản lượng niên vụ 2022/23 của bang Mato Grosso ở mức lớn kỷ lục là 46,4 triệu tấn, không đổi so với báo cáo hồi tháng 1 và tăng 5.9% so với năm trước.
Giá ngô CBOT chốt phiên ngày 8/2 quay đầu tăng 1.7 USD/tấn sau báo cáo Cung – Cầu mà USDA mới phát hành cho thấy sản lượng và xuất khẩu năm 2022/23 của Argentina bị cắt giảm mạnh. Theo đó, sản lượng ngô thu hoạch được USDA dự báo ở mức 47 triệu tấn, thấp hơn lần lượt 5 triệu tấn so với báo cáo hồi tháng 1 và 2.5 triệu tấn so với niên vụ 2021/23, do chịu thiệt hại bởi thời tiết hạn hán kéo dài. Mức độ tăng của ngô được hạn chế phần nào khi mà thương nhân cũng đã dự đoán được về việc USDA cắt giảm các con số ước tính về sản lượng.
Chốt phiên ngày 9/2, giá Ngô CBOT giảm 3.1 USD/tấn do ảnh hưởng từ thông tin không tích cực từ tình hình xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên sang phiên ngày 10/2, giá ngô đã tăng trở lại 3.9 USD/tấn. Trong báo cáo gần đây nhất, sàn giao dịch BAGE duy trì dự báo sản lượng ngô năm 2023 của Argentina ở mức 44,5 triệu tấn, không đổi so với báo cáo tháng trước và thấp hơn khá nhiều so với con số 52 triệu tấn của năm ngoái.
LÚA MÌ
Giá lúa mì CBOT ngày 6/2 và 7/2 đồng loạt giảm 2.4 và 0.2 USD/tấn do ảnh hưởng từ thông tin không tích cực từ tình hình xuất khẩu của Mỹ. Doanh số bán hàng xuất khẩu lúa mì của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/1 chỉ ở mức thấp, đạt 168.9 nghìn tấn, giảm mạnh so với một tuần trước. Giá lúa mì giảm còn bị ảnh hưởng bởi dự báo thời tiết mưa ở vùng Trung tây và đồng bằng nước Mỹ, giúp cải thiện điều kiện cây trồng vụ đông. Còn tại Nga, xuất khẩu lúa mì của nước này cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây do áp lực nguồn cung dồi dào.
Theo đà tăng của thị trường, giá lúa mì CBOT chốt phiên 8/2 cũng quay đầu tăng trở lại 5.5 USD/tấn sau khi đã sụt giảm 3 phiên liên tiếp trước đó. Thương nhân cũng lo ngại về tình hình cây trồng lúa mì vụ đông tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng xấu do thời tiết bất lợi. Còn theo báo cáo Cung – Cầu hôm 8/2 USDA đã nâng ước tính sản lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới năm marketing 2022/23 (từ 7/2022-6/2023) lên mức 211.4 triệu tấn, cao hơn 1.8 triệu tấn so với báo cáo tháng 1.
Cũng như ngô, chốt phiên ngày 9/2, giá lúa mì CBOT giảm 2.7 USD/tấn, doanh số bán hàng xuất khẩu của Mỹ trong tuần từ 27/01-02/02 vẫn ở mức thấp với gần 151 nghìn tấn. Sang ngày 10/2, giá lúa mì tăng mạnh 10.6 USD/tấn khi mà thị trường lo ngại về nguồn cung xuất khẩu ngũ cốc từ khu vực Biển Đen có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng hơn.
HẠT ĐẬU VÀ KHÔ ĐẬU
Bị ảnh hưởng bởi thông tin không tích cực từ hoạt động xuất khẩu của Mỹ, giá đậu tương và khô đậu tương CBOT chốt phiên ngày 6/2 giảm lần lượt 4 và 8.3 USD/tấn. Thêm vào đó kỳ vọng rất lạc quan của thị trường về sản lượng thu hoạch đậu tương năm nay tại Brazil cũng là yếu tố quan trọng tác động giảm tới giá thế giới. Hiện nông dân Brazil đang ở đầu vụ thu hoạch đậu tương năm 2022/23, tiến độ còn khá chậm.
Giá đậu tương và khô đậu tương tiếp tục giảm vào ngày 7/2. Viện nông nghiệp IMEA hôm 6/2 đã nâng ước tính sản lượng thu hoạch đậu tương niên vụ 2022/23 của bang Mato Grosso (bang sản xuất nông nghiệp lớn nhất Brazil) lên mức 42.8 triệu tấn, tăng 3.3% so với dự báo tháng trước và cao hơn 4.8% so với niên vụ 2021/22.
Chốt phiên ngày 8/2, giá đậu tương và khô đậu tương CBOT quay đầu tăng lần lượt 1.6 và 0.6 USD/tấn, sau khi USDA phát hành báo cáo cung cầu cho thấy sản lượng cũng như xuất khẩu của Argentina tiếp tục bị cắt giảm. Cụ thể, USDA đã hạ ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của Argentina xuống còn 41 triệu tấn, thấp hơn 4.5 triệu tấn so với báo cáo tháng trước và giảm 2.9 triệu tấn so với năm ngoái, do phải trải qua đợt khô hạn nghiêm trọng.
Giá đậu tương chốt phiên vừa qua giảm 0.1 USD/tấn, có xu hướng ngược lại, giá khô đậu tương CBOT chốt phiên ngày 9/2 tăng mạnh thêm 15 USD/tấn, do những lo ngại về triển vọng nguồn cung từ Argentina, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (10/2) giá hạt đậu tương và khô đậu tương tăng khá mạnh thêm lần lượt 8.5 và 4.3 USD/tấn. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp giá khô đậu tương tăng và cao hơn tổng 19.8 USD/tấn so với hôm 7/2.