NGÔ
Chốt phiên đầu tuần ngày 13/2, giá Ngô CBOT tăng 1.8 USD/tấn. Theo báo cáo tuần trước của sàn giao dịch ngũ cốc BAGE, cơ quan này duy trì sản lượng dự báo của ngô năm 2023 của Argentina ở mức 44.5 triệu tấn, không đổi so với báo cáo tháng trước và thấp hơn khá nhiều so với con số 52 triệu tấn của năm ngoái.
Giá Ngô CBOT chốt phiên ngày 14/2 và 15/2 quay đầu giảm do áp lực bán chốt lời trên sàn giao dịch sau đợt tăng mạnh hồi cuối tuần trước.
Chốt phiên 16/2, giá Ngô CBOT kỳ hạn tháng 3 không có nhiều biến động, giảm 0.1 USD/tấn, trong khi Ngô kỳ hạn tháng 5 tăng cũng quay đầu tăng nhẹ 0.4 USD/tấn.
Chốt phiên cuối tuần ngày 17/1, giá Ngô tăng nhẹ 0.6 USD/tấn. Sàn giao dịch ngũ cốc BAGE cho biết hôm 16/2, sương giá sớm trong những ngày tới có thể gây tổn hại thêm cho vụ mùa ngô ở phía nam khu vực canh tác chính của Argentina. Điều này càng gây thêm lo lắng cho thị trường về triển vọng sản lượng năm nay của Argentina, khi mà vốn dĩ trước đó mùa vụ đã bị tác động tiêu cực bởi khô hạn kéo dài. Sàn giao dịch hôm 17/2 cho biết lượng xuất khẩu ngô của Argentina trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 8.7 triệu tấn, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
LÚA MÌ
Giá lúa mì CBOT chốt phiên đầu tuần ngày 13/2 tăng 2.2 USD/tấn. Thị trường có những lo ngại về triển vọng nguồn cung xuất khẩu ngũ cốc từ khu vực Biển Đen có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi mà tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine trở nên ngày càng căng thẳng.
Cùng xu hướng với thị trường, giá lúa mì CBOT chốt phiên ngày 14/2 và 15/2 giảm do áp lực bán chốt lời. Chính phủ Ấn Độ hôm thứ ba cho biết ước tính sản lượng lúa mì năm 2023 của nước này có thể tăng 4.1% lên mức lớn kỷ lục là 112.2 triệu tấn, nhờ mức giá cao đã thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích trồng trọt và điều kiện thời tiết cũng thuận lợi.
Giá lúa mì CBOT giảm hôm 16/2 giảm 1.5 USD/tấn đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Theo tin từ Reuters hôm 16/2, giám đốc quản lý rủi ro hàng hóa của StoneX cho biết hiện vẫn chưa chắc chắn về việc liệu kênh vận chuyển an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine có được tiếp tiếp tục vào tháng 3 hay không, tuy nhiên về phía Nga thì quốc gia này có thể vẫn còn nguồn cung lúa mì dồi dào với giá cạnh tranh để xuất khẩu.
Chốt phiên cuối tuần ngày 17/2, giá lúa mì tăng nhẹ 0.1 USD/tấn. Các thương nhân tiếp tục theo dõi tình hình xuất nhập khẩu ngũ cốc ở khu vực Biển Đen, với những lo ngại về triển vọng nguồn hàng từ Ukraina, khi mà gần đây Nga đưa ra những chỉ trích về hành lang an toàn. Các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc sẽ bắt đầu trong một tuần nữa.
HẠT ĐẬU VÀ KHÔ ĐẬU
Đậu tương và khô đậu tương chốt phiên đầu tuần tăng 0.1 và 5.1 USD/tấn. Trong đó khô đậu tương đã tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Theo truyền thông Trung Quốc, nước này sẽ tăng cường thúc đẩy sản xuất đậu tương và dầu đậu tương và dầu ăn, một nỗ lực nhằm tăng khả năng tự cung ứng nhiều hơn các nguồn thực phẩm chính của mình.
Giá hạt đậu và khô đậu tương CBOT đồng loạt giảm vào phiên ngày 14/2 và 15/2. Theo báo cáo hôm thứ 2 của Agrural, tiến độ thu hoạch đậu tương tại Brazil đã được đẩy nhanh hơn, hoàn thành tổng cộng 17% diện tích.
Chốt phiên 16/2 vừa qua, giá hạt đậu tương và khô đậu tương điều chỉnh tăng trở lại 0.3 USD/tấn. Công ty tư vấn AgRural hôm 16/2 cập nhật ước tính sản lượng đậu tương của Brazil ở mức 150.9 triệu tấn, mặc dù đây vẫn là con số kỷ lục từ trước tới nay nhưng đã giảm 2 triệu tấn so với báo cáo trước đó.
Giá đậu tương CBOT chốt phiên cuối tuần vừa qua tăng nhẹ 0.3 USD/tấn, trong khi giá khô đậu tương giảm 0.3 USD/tấn. Thị trường lo ngại về thời tiết sương giá ở Argentina có thể gây tổn hại cho vụ mùa đậu tương.