THỊ TRƯỜNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI 26/12 – 31/12/2022

NGÔ

Sau kỳ nghỉ lễ giáng sinh, chốt phiên ngày 27/12 vừa qua, giá ngô CBOT tăng thêm 3.3 USD/tấn. Thị trường kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu Ngô sẽ được cải thiện trong năm 2023, sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch. Theo tin từ SCMP hôm 26/12, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng dịch từ ngày 8/1/2023. Tại Mỹ, báo cáo đầu tuần này của USDA cho thấy các nhà xuất khẩu tư nhân nước này mới ký bán được 177.5 nghìn tấn ngô cho Nhật Bản, qua đó cũng là yếu tố trợ giá cho phiên ngày thứ ba.

Giá ngô Cbot chốt phiên ngày 28/12 lên thêm 3.1 USD/tấn, đánh dấu phiên thứ ba tăng liên tiếp, cao hơn tổng 8.7 USD/tấn so với hôm 22/12. Những cơn mưa hồi cuối tuần trước tại Argentina không diễn ra như kỳ vọng khiến các thương nhân thêm lo ngại về triển vọng sản lượng ngô niên vụ 2023.

Sau 2 phiên tăng liên tiếp trong tuần, giá ngô CBOT vào ngày 29/12 giảm trở lại do áp lực bán chốt lời trên sàn giao dịch sau khi giá đã có phiên tăng mạnh trước. Sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết tiến độ gieo trồng ngô của Argentina tới nay đã hoàn thành 62.9% diện tích trong tổng số 7.3 triệu ha kế hoạch.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, giá ngô đi ngược xu hướng thị trường giảm 0.4 USd/tấn do áp lực bán ra chốt lời trên sàn giao dịch sau đợt tăng  kéo dài hồi tuần trước và đầu tuần này. Trong thời gian tới những thông tin về triển vọng mùa vụ của Argentina và Brazil sẽ là yếu tố tác động nhiều với giá ngô trên sàn CBOT.

LÚA MÌ

Các nhà phân tích hôm thứ 2 (26/12) cho biết giá lúa mì của Nga đã giảm vào tuần trước khi đồng rúp trở nên yếu hơn và nguồn cung nội địa dồi dào trong bối cảnh vụ thu hoạch đạt sản lượng kỷ lục. Bên cạnh  đó, tốc độ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của Nga cũng được cải thiện sau khi các cơn bão đã đi qua

Theo báo cáo mới nhất của công ty tư vấn nông nghiệp IKAR, giá lúa mì Nga protein 12,5% tính tới cuối tuần trước (24/12) chỉ còn quanh mức 307 USD/tấn FOB cảng Biển Đen đối với hàng shipment tháng 1/2023, giảm khá mạnh 5 USD/tấn so với một tuần trước đó. Như vậy, giá lúa mì xuất khẩu của Nga đã giảm liên tiếp trong khoảng 3 tuần gần đây.

Chốt phiên ngày 27/12, giá lúa mì CBOT tiếp tục giảm 0.6 USD/tấn đưa giá về mức 284.5 USD/tấn/.

Theo đà tăng của thị trường ngày 28/12, giá lúa mỳ CBOT quay đầu tăng trở lại 4 USD/tấn. Thời tiết cực kỳ lạnh giá bao trùm nước Mỹ đe dọa gây thiệt hại cây trồng vụ đông là một trong những nguyên nhân gây tăng giá lúa mì.

Sau khi tăng mạnh trong phiên 28/12 giá lúa mì CBOT phiên 29/12 giảm 4.2 USD/tấn do áp lực bán chốt lời cộng với ước tính sản lượng lúa mì được nâng lên mức 101.2 triệu tấn cao hơn so với con số trước đó.

Giá lúa mì tăng mạnh trên sàn CBOT trong phiên giao dịch cuối cùng của năm do những lo ngại về thiệt hại về cây trồng vụ đông của Mỹ. Các thương nhân đang chờ đợi những đánh giá cụ thể về tình hình thiệt hại do sương giá gây ra đối với cây trồng lúa mì vụ đông ở Mỹ.

HẠT ĐẬU VÀ KHÔ ĐẬU

Sau kỳ nghỉ lễ giáng sinh, sàn giao dịch CBOT mở cửa trở lại, chốt phiên ngày 27/12, giá đậu tương và CBOT theo kỳ vọng về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng 1.2 USD/tấn đánh dấu phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Các chuyên gia nhận định lượng khô đậu tương tồn kho của Trung Quốc tính thời thời điểm cuối năm 2022 xuống mức thấp kỷ lục từ trước tới nay. Ngoài ra những cơn mưa diễn ra tại Argentina hồi cuối tuần trước đã không đạt như kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến khô đậu tương tăng giá. Ở chiều ngược lại, triển vọng nguồn cung rất dồi dào của Brazil trong niên vụ 2022/23 là yếu tố có thể hạn chế đà tăng của giá hạt đậu tương và khô đậu tương CBOT. Nhìn chung cho tới nay các hãng phân tích đều đưa ra nhận định sản lượng thu hoạch đậu tương niên vụ 2022/23 của Brazil sẽ đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Có cùng xu hướng với thị trường, giá hạt đậu tương và khô đậu tương chốt phiên 28/12 tăng mạnh lần lượt là 8.9 USD/tấn và 16 USD/tấn. Thị trường kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản trong đó có đậu tương sẽ gia tăng trong năm 2023.

Chốt phiên 29/12, giá khô đậu tương giảm 2.4 USD/tấn trong khi đậu tương đi ngược lại xu hướng tăng 0.8 USD/tấn. BAGE cho biết hạn hán đã làm trì hoãn tiến độ gieo trồng đậu tương niên vụ 2022/23 tại Argentina, những cơn mưa trong thời gian gần đây đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng trước đó.

Kết thúc phiên giao dịch 30/12, giá đậu tương và khô đậu tương CBOT tăng lần lượt 3.9 và 15.9 USD/tấn do những lo ngại về nguồn cung của Argentina – quốc gia xuất khẩu khô đậu tương lớn nhất thế giới.